30/4 vui cho ai buồn cho ai?

BÙI KIẾN THÀNH
30 tháng 04 vui cho ai buồn cho ai?

Chúng ta có trách nhiệm gì đối với quê hương đất nước? nòi giống tổ tiên?

Ngày 08 tháng 05 năm 1954 tôi còn là sinh viên tại Đại Học Columbia ở New York, khi nghe đài truyền hình Mỹ loan tin quân Pháp đầu hàng tại Điện Biên, tôi cùng các bạn vô cùng phấn khởi, rủ nhau mua nước uống về ký túc ăn mừng! Niềm tự hào dâng lên không sao kể xiết.

Ngày 30 tháng 04 năm 1975 tôi hoạt động kinh doanh tại Pháp. Tôi ra đi năm 1965, nấp mình dưới khoang một tàu viễn dương, lênh đênh số phận một “thuyền nhân” rời xa quê hương vì không chấp nhận những lý do và hoàn cảnh của chiến tranh. Hình ảnh loạn ly chết chóc triền miên từ sau năm 1954 đã làm cho lòng tôi đau xót khôn cùng.

30.4 năm nay, tôi ngồi bên Hồ Trúc Bạch, những hình ảnh ngày cuối cùng của chiến tranh tràn về trong tâm trí. Hàng đoàn người gồng gánh bế bồng chạy loạn trên khắp các nẻo đường miền Nam của đất nước; hàng nghìn người chen lấn nhau tìm đường di tản; hàng trăm xác chết trên một chuyến tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn; hàng vạn chiếc giày và quân phục của quân đội Cộng Hoà bỏ lại trên các xa lộ hay các bãi biển; đoàn xe thiết giáp cắm cờ Mặt Trận Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập; hàng vạn người Sàigòn đổ ra đường mừng ngày đại thắng.
Sau 30 năm chiến tranh rồi cũng đến ngày kết thúc.

Mừng là mừng cho đất nước được an bình, nhân dân có cơ hội xây dựng đời sống mới ấm no hạnh phúc. Anh em lưu lạc kẻ Bắc người Nam sẽ được đoàn tụ dưới mái ấm gia đình.

Buồn là buồn cho hàng triệu đồng bào đã phải hy sinh; bao nhiêu chiến sĩ của cả hai bên? Bao nhiêu người tàn phế? Bao nhiêu trẻ em nhiễm chất độc da cam?

Rồi bình minh chưa kịp lộ sáng thì bóng tối lại bao trùm. Thay vì tay bắt mặt mừng, gia đình đoàn tụ, thì anh em lại cách biệt phân ly; bao trại cải tạo được dựng lên để giáo huấn cho “giai cấp tư sản” về con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa; rồi hàng triệu người bỏ xứ ra đi.

Đối với những người ở lại, thay vì mọi người được tạo điều kiện phát huy sáng tạo để xây dựng đất nước giàu mạnh, thì lại được tập huấn theo cái khuôn bao cấp quan liêu, với những giáo điều lạc hậu và nền kinh tế bước đến ngõ cụt của nghèo đói.

Rồi 30 năm nữa đã qua đi. Cuối cùng, ánh sáng cũng từ từ xua đi đêm tối.

Từ ngày chiến tranh chấm dứt, ta đã làm được gì cho đất nước? Ta có công gì và có tội gì đối với tổ tiên? Ta có trách nhiệm gì đối với đồng bào, dân tộc? Mỗi độ xuân về và ngày 30 tháng 04 trở lại, chúng ta thường nghe nhắc đến bao nhiêu thành tích, chiến công. Nhưng mấy ai đã nghĩ đến cái giá phải trả bằng xương, bằng máu, và bằng nước mắt của chục triệu đồng bào? Có nhất thiết chúng ta phải cốt nhục tương tàn đến mức ấy hay không?

Ngày tuyên bố độc lập và khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn thể nhân dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ nền độc lập và dân chủ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, giai cấp, thành phần xã hội. Và thông báo cùng với thế giới biết là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị của mình.

Rất tiếc trong hoàn cảnh thế giới lúc bấy giờ lời kêu gọi này không phát huy được tác dụng. Chủ nghĩa tư bản và cộng sản đang kình địch nhau trên mọi Châu lục và Việt Nam bị cuốn hút vào cuộc tranh chấp toàn cầu giữa các đế quốc. Việc lựa chọn đứng về một bên trong cuộc tranh chấp đã đem lại những lợi gì và những hại gì cho đất nước? Để khôi phục lại nền độc lập tự chủ, các quốc gia thuộc địa cũ có nhất thiết phải trải qua 30 năm chiến tranh hay không? Vậy thì tại sao Việt Nam lại phải chấp nhận một cái giá tàn khốc như vậy? Vì đâu? Vì cái gi? Có lợi ích gì cho đất nước? Lãnh đạo tức là nắm quyền quyết định và lựa chọn đường lối chính sách, vậy ai là người chịu trách nhiệm trước nhân dân? trước hàng triệu đồng bào đã phải hy sinh? trước hàng triệu nạn nhân đang sống sót? trước tổ tiên dân tộc?
30 năm chiến tranh, tiếp theo là 10 năm bao cấp, và tiếp theo là 20 năm “đổi mới” để học hỏi các phương thức hội nhập với nền kinh tế thị trường và hoà đồng cùng với các chế độ dân chủ tự do.

30 năm lưu lạc bốn phương trời, trên hơn 80 quốc gia và lãnh thổ, chúng ta đã học được những gì? Rồi đây con cháu chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta có trách nhiệm gì đối với quê hương đất nước? nòi giống tổ tiên?

Nay chúng ta đang đứng trước một ngưỡng cửa mới, của một thời đại mới. Nhân ngày 30 tháng 04, tất cả người Việt Nam chúng ta, bất kỳ ở nơi nào, cũng nên kiểm điểm lại những cơ hội đã bỏ lỡ, những quyết định sai lầm đã qua, và rút kinh nghiệm để những năm tháng sắp tới sẽ là những ngày huy hoàng rực rỡ của đoàn kết nhất trí, phát huy đến đỉnh cao nhất nền độc lập, tự do, dân chủ, để đồng bào trong nước và khắp nơi trên thế giới được đoàn tụ dưới một mái nhà chung, tìm về cội nguồn, tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu, vui vầy hạnh phúc.

Nguồn: Bùi Kiến Thành (Nhân vật trong Hồi ký Bùi Kiến Thành – Người mở khóa lãng du)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *